Những năm gần đây, khi du khách đến với Sầm Sơn nghỉ dưỡng, tắm biển đều bày tỏ sự bất ngờ về sự “lột xác” ngoạn mục, nhất là về hạ tầng du lịch. Sầm Sơn đã, đang thay đổi từng ngày và là điểm đến luôn được các du khách lựa chọn.

Thiên nhiên ưu đãi

Sầm Sơn – vùng đất cổ, có biển, núi và rừng tụ hội. Theo nhiều tài liệu khảo cổ khẳng định, cách đây hơn 2.000 năm, đã có dấu tích con người định cư cấy lúa, trồng màu, khai thác hải sản… Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã có nhiều trang sử chép về núi Sầm để ca ngợi vẻ đẹp được thiên nhiên ưu ái. Tổng đốc Vương Duy Trinh trong cuốn “Thanh Hóa kỷ thắng”, biên soạn năm 1903 dành một số trang giới thiệu vùng đất Sầm Sơn kỳ tú với niềm cảm xúc dạt dào, lắng đọng. Giữa thế kỷ XX, nhà giáo Ưng Quả, Hiệu trưởng Trường Trung học Collège dù chia Sầm Sơn thành hai trung tâm là Sầm Sơn hạ và Sầm Sơn thượng, song đều “chung một cảnh quan là biển và sự quyến rũ mê hồn của nó”.

Thực dân Pháp (1904) trong khi xúc tiến chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho kế hoạch khai thác thuộc địa ở cả Việt Nam và xứ Thanh, đã ra nghị định cấp một số lô đất tại Sầm Sơn để xây dựng các đài quan sát, trạm y tế và trung tâm nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe tại bãi biển và ven núi Trường Lệ. Chỉ 2 năm sau, người Pháp cho xây dựng tuyến đường bộ dài 16 km nối tỉnh lỵ Thanh Hóa với Sầm Sơn. Và cũng từ đó, các công trình, vila, biệt thự được xây dựng trên núi Trường Lệ. Sau này, chiến tranh tàn phá, số vila, biệt thự trên núi không còn. Nhưng cũng từ đó, du lịch Sầm Sơn hình thành và phát triển.

Từ một địa điểm du lịch nghỉ dưỡng, Sầm Sơn nhanh chóng biến thành “một pháo đài” lợi hại đáng tin cậy để ngăn chặn sự tấn công, đổ bộ của kẻ thù xâm lược từ biển vào, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vùng hậu phương Thanh Hóa trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954). Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Sầm Sơn vinh dự được chọn làm địa điểm đón tiếp hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc.

Thiên nhiên ưu đãi cho Sầm Sơn một không gian du lịch thật yên bình với bờ cát trải dài, cùng với đó là dãy núi Trường Lệ xanh xanh những cánh rừng thông, bạch đàn…; những ngọn núi cao thấp đan xen như hòn Cổ Giải, ngọn Đầu Voi, hòn Trống Mái, núi Cô Tiên…

Chiến lược xây dựng đô thị Sầm Sơn

Nhận thấy rõ tiềm năng, lợi thế của địa phương là phát triển kinh tế biển, trong đó du lịch biển là trọng điểm, năm 1963, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định thành lập thị trấn Sầm Sơn. Sau nhiều năm tập trung thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Thanh Hóa “đánh đuổi máy bay trên bầu trời, làm chủ biển gần, khống chế biển xa sản xuất, chiến đấu”, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, đến những năm đầu sau giải phóng, Sầm Sơn thực hiện tái thiết lại quê hương; đồng thời xác định, phát triển thị trấn du lịch nghỉ mát là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, Nhân dân thị trấn và các xã trong khu vực Sầm Sơn. Ngày 18-12-1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 157-HĐBT về thành lập thị xã Sầm Sơn trực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Đây là mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới về nhận thức tư tưởng đối với kinh tế du lịch nghỉ mát – một ngành kinh tế mới đầy ắp tiềm năng, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa mà tự nhiên đã ban tặng và con người đã sáng tạo trong suốt ngàn năm lịch sử.

Kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, công cuộc đổi mới đất nước bắt đầu, được Đảng và Nhà nước khuyến khích, các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch thuộc mọi thành phần kinh tế tại Sầm Sơn đã phát triển nhanh chóng. Lần đầu tiên Sầm Sơn tổ chức hội chợ kinh tế – du lịch với chủ đề “Hè Sầm Sơn 1989: Sức khỏe – kinh tế – bạn bè” (5-1989), nhưng đã được đông đảo du khách đón nhận nhiệt tình. Từ đây, du lịch, dịch vụ được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trọng yếu của thị xã.

Giai đoạn 2006-2010, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVI xác định phát triển du lịch là 1 trong 5 chương trình kinh tế – xã hội trọng tâm trên cơ sở lấy Sầm Sơn làm trọng tâm du lịch của cả tỉnh. Chủ trương này đã tạo điều kiện cho Sầm Sơn thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Riêng năm 2007, tổng mức đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng du lịch Sầm Sơn bằng mười năm trước đó cộng lại. Năm 2010, Sầm Sơn được Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch đầu tư phát triển thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia.

Năm 2017 theo Nghị quyết số 368/NQ-UBTVQH14, ngày 19-4-2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, Sầm Sơn được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Đây là dấu mốc quan trọng nhất để Sầm Sơn chuyển mình phát triển mạnh mẽ.

Những năm gần đây, khi du khách đến với Sầm Sơn nghỉ dưỡng, tắm biển đều bày tỏ sự bất ngờ về sự “lột xác” ngoạn mục, nhất là về hạ tầng du lịch. Sầm Sơn đã, đang thay đổi từng ngày và là điểm đến luôn được các du khách lựa chọn.

Để Sầm Sơn vươn tầm

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, từ thị trấn nhỏ với diện tích khoảng 7,5km2, dân số trên 5.000 người; ngành nghề chủ yếu là nông nghiệp và ngư nghiệp, đến nay, Sầm Sơn đã được mở rộng địa giới hành chính; trở thành thành phố trực thuộc tỉnh với 11 đơn vị hành chính cấp xã, dân số gần 110.000 người; kinh tế dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm trên 70% tổng giá trị sản xuất của thành phố. Từ làng chài ven biển đã trở thành đô thị du lịch thông minh, giàu đẹp.

Với vị thế là trung tâm du lịch của tỉnh, nhằm xây dựng và phát triển Sầm Sơn đến năm 2030 trở thành thành phố du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn, thân thiện; đến năm 2045, Sầm Sơn là đô thị du lịch, vui chơi, giải trí độc đáo hàng đầu của cả nước; kết nối chặt chẽ với TP Thanh Hóa về không gian đô thị, không gian phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ, năm 2021, Sầm Sơn tự hào được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành một nghị quyết chuyên đề riêng về “Xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” (Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 26-11-2021). Nghị quyết đã xác định rõ đường hướng để Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng với những cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh dành cho Sầm Sơn và sự nỗ lực, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn, Sầm Sơn đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương; nổi bật là thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được công nhận là thành phố thông minh. Năm 2022, thành phố hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch 31/31 chỉ tiêu chủ yếu mà nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đề ra; đặc biệt, thành phố đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất cao nhất từ trước đến nay với 32,2%; đón gần 7,05 triệu lượt khách, 14,4 triệu lượt ngày khách; doanh thu ước đạt 14.134 tỷ đồng, bằng 182% kế hoạch, tăng 473% so với cùng kỳ; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên.

Để rút ngắn câu chuyện du lịch một mùa, Sầm Sơn đã có những cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư khai thác. Chỉ trong thời gian ngắn đã thu hút được nhiều “đại bàng” về đầu tư, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế khi đến với Sầm Sơn. Cùng với việc khai thác, phát huy thế mạnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng, thành phố đã và đang phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới, như: lễ hội Tình yêu – hòn Trống Mái, lễ hội ánh sáng; lễ hội carnival đường phố…

Nhà văn Hoàng Thăng Ngói – tác giả của cuốn sách “Linh tích Sầm Sơn”, người dành cả cuộc đời để nghiên cứu văn hóa mảnh đất nơi ông sống, cho biết: Sầm Sơn, nơi đón, nhận bao niềm vui và cũng là nơi đón nhận bao sóng gió, bão táp của con người và trời đất tạo nên. Qua đó cho ta hiểu và yêu thêm, thương thêm những gì còn có được hôm nay trên bãi biển này.

Ông Lê Trung Sơn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Sầm Sơn chia sẻ: Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của người dân, sự tin tưởng của các nhà đầu tư… đã làm thay đổi căn bản diện mạo đô thị du lịch ngày nay. Từng bước đưa Thanh Hóa thoát khỏi khái niệm “mùa tắm biển Sầm Sơn”, mở ra một thời kỳ mới cho du lịch Sầm Sơn nói riêng, Thanh Hóa nói chung. Từ đó đã phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, cải thiện mạnh mẽ hình ảnh, hướng tới mục tiêu xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm của quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Required fields are marked *